10 lý do khởi nghiệp không cần nhà đầu tư
Công việc kinh doanh tất nhiên cần vốn, và đôi khi bạn cần viện tới sự giúp đỡ của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các chủ doanh nghiệp cũng nên suy xét nghiêm túc: Liệu họ có thực sự cần tới các nhà đầu tư khác để hiện thực hóa ước mơ của mình?
Mới đây, Tim Berry, chủ tịch và đồng thời cũng là người sáng lập Palo Alto Software, đã đăng tải ý kiến của mình về vấn đề nhà đầu tư và thành lập doanh nghiệp mới. Theo ông, có tới 10 lý do chủ doanh nghiệp không tìm tới các nhà đầu tư khi khởi nghiệp.
1. Cơ hội nhận được đầu tư hết sức nhỏ nhoi nếu bạn chỉ mới khởi nghiệp
Nếu chủ doanh nghiệp không có nhiều kinh nghiệm, tốt nhất họ nên làm việc chung với một người giàu kinh nghiệm hơn. Chris Dixon trong trang web của mình (cdixon.Org) đã tuyên bố chỉ có 2 loại người: hoặc đã biết cách khởi nghiệp hoặc không (biết cách khởi nghiệp có nghĩa là bạn thực sự đi lên từ hai bàn tay trắng – không vốn, không trợ giúp và hầu như mọi người khi đó đều nghi ngờ khả năng thành công của bạn). Và nếu bạn chưa từng “bắt đầu” (theo nghĩa như trên), và cũng không làm việc cùng một người có kinh nghiệm, cơ hội nhận được đầu tư của bạn hết sức nhỏ nhoi.
2. Bạn đang bán quyền sở hữu công ty
Các nhà đầu tư viết séc cho bạn để được sở hữu một phần công ty. Điều này tương đối rõ ràng đối với một vài chủ doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn có rất nhiều người coi nhà đầu tư chỉ là một dạng đại lý công cộng. Chủ doanh nghiệp rất cần phải ghi nhớ: một khi đã nhận được đầu tư, quyền lực tuyệt đối của họ cũng bị giảm đi ít nhiều.
3. Nhà đầu tư hay một ông chủ nữa?
Trên thực tế, nếu bạn nhận vốn từ nhà đầu tư, bạn không còn ở địa vị độc tôn, mà là một bộ phận của ban quản trị. Chủ doanh nghiệp khó mà quyết định mọi thứ một mình – họ phải cân nhắc kĩ lưỡng và xem xét ý kiến của ban quản trị cũng như cân bằng mối quan hệ giữa các nhà đầu tư để công việc được tiến hành thuận lợi.
4. Giá trị sở hữu công ty là vấn đề nhà đầu tư cân nhắc kĩ
Hiểu đơn giản là, nhà đầu tư cũng rất quan tâm tới giá trị của công ty nơi họ đầu tư. Với chủ doanh nghiệp, nếu người chủ chỉ muốn nhà đầu tư nắm giữ 10%, nhưng lại muốn khoản tiền 100,000 đô la, anh ta tuyên bố công ty mình trị giá 1 triệu đô. Đó là một phép tính hết sức đơn giản. Tuy nhiên, thực tế là nhà đầu tư cân nhắc rất kĩ vấn đề này, và việc thương lượng của chủ doanh nghiệp không đơn giản như những gì họ nghĩ.
5. Nhà đầu tư không kiếm được lợi nhuận cho tới khi thanh khoản
Với nhà đầu tư, họ chỉ kiếm được lợi nhuận nhờ thanh khoản. Vì thế, chủ doanh nghiệp có thể rất hài lòng khi công ty đạt được vô số thành công, nhưng nhà đầu tư chỉ có thể vui vẻ hoàn toàn nếu họ được nhận lại tiền mặt. Có thể những cổ đông của các công ty lớn sẽ rất hài lòng với tiền lãi cổ phần, nhưng các nhà đầu tư cho các công ty mới khởi nghiệp thì không.
6. Công ty không phát triển được quy mô? Khó mà vay vốn!
Những cơ hội phát triển quy mô sẽ được các nhà đầu tư cân nhắc kỹ. Trước đây, quy mô chỉ được hiểu đơn giản là số lượng sản phẩm, nhưng hiện nay đã bao gồm quy mô dịch vụ, như các dịch vụ trên Internet. Nhưng nếu sản lượng tăng gấp đôi mà số nhân công cũng tăng theo gấp đôi, nhà đầu tư cũng không thực sự hào hứng với ý tưởng rót tiền vào công ty của bạn.
7. Nếu sản phẩm công ty dễ dàng bị sao chép, cũng khó vay được vốn
Các nhà đầu tư coi trọng vấn đề bảo mật trong giao dịch và đặc biệt là vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm. Vì thế, nhà đầu tư có xu hướng tránh đầu tư vào các công ty có sản phẩm dễ dàng bị làm nhái. (Tất nhiên, cũng có rất nhiều ngoại lệ. Ví dụ, một số nhà đầu tư ban đầu không coi trọng Starbucks, bởi họ cho rằng sao chép mô hình đó quá dễ dàng, và ý tưởng đó sẽ sớm thất bại; nhưng Starbucks đã chứng minh điều ngược lại – thương hiệu này hiện đang giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực café trên thế giới).
8. Các nhà đầu tư không chỉ dừng lại ở vị trí “nhà đầu tư” một cách chung chung
Thực tế, rất nhiều trong số họ đã trở thành đối tác hợp tác, thậm chí là cố vấn của công ty – đôi khi là những nhà phê bình dai dẳng và thiếu tinh tế. Một số người giúp ích rất nhiều, nhưng cũng có những người chẳng giúp được gì cả. (Vì vậy, doanh nghiệp cũng cần rất thận trọng khi tìm đến sự giúp đỡ của nhà đầu tư)
9. “Chỉ vay vốn thôi – sẽ chẳng có ảnh hưởng gì” – mọi việc không thực sự như vậy
Sự thực là hiện nay nhà đầu tư đang hết sức cảnh giác với những công ty mới mở mang tính rủi ro cao. Một ví dụ nổi bật là câu chuyện của công ty non trẻ Color được đăng trên tờ New York Times tháng 6 vừa qua. Color huy động được tới 41 triệu đô la ngay cả trước khi sản phẩm đầu tiên của hãng tới được tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, bất chấp sự thịnh vượng của công ty và tiềm năng được đánh giá cao từ phía các nhà đầu tư, ứng dụng chia sẻ hình ảnh của hãng chỉ thu hút được rất ít người sử dụng và hầu hết đều cho những phản hồi tiêu cực. Những công ty như Color hiện nay rất nhiều, do ăn theo thành công của Facebook, Zynga và Twitter, và các nhà đầu tư – những người vốn mang ý nghĩ sẽ không bỏ lỡ cơ hội, nay đã phải dừng lại và suy tính cẩn thận hơn.
10. Đôi khi nhà đầu tư lại trở thành ông chủ của chính công ty của bạn
Nhà hoạch định chiến lược kinh doanh nổi tiếng Sramana Mitra đã đề cập tới điều này trong một bài thuyết trình gần đây. Theo bà, vấn đề này không chỉ xảy ra ở những nước đang phát triển như Ấn Độ, mà có lẽ ở những trung tâm kinh tế lớn, như Thung lũng Silicon, cũng tồn tại việc này.
Tags: chiến lược kinh doanh, khởi nghiệp, Kinh doanh, kinh nghiệm