fb

Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh – Tôi không thích làm người đàn bà tóc trắng

Written by i-Office.com.vn. Posted in Tin Tức

“Tôi không thích làm người đàn bà tóc trắng”
Năm 2002 tôi gặp Bảo Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cơ khí và cầu trục NMC, và Quỳnh nói với tôi rất nhiều kế hoạch sẽ làm trong tương lai, trong đó có cả ý tưởng thực hiện dự án bãi đậu xe ngầm, một dự án chưa chủ đầu tư nào thực hiện ở Việt Nam.
Nhìn Quỳnh mảnh mai trong chiếc áo dài giống như một sinh viên vừa ra trường, tôi không mấy tin vào những gì Quỳnh nói. Thế nhưng, chỉ hơn hai năm sau, dự án bãi đậu xe ngầm ở Công trường Lam Sơn đã được công bố thực hiện cùng nhiều dự án khác…
Phòng làm việc của Quỳnh nằm trên tầng 19 cao ốc Indochina Park Tower, một trong những dự án do công ty thứ hai của bà, Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, làm chủ đầu tư.
Vừa thấy tôi bước vào, Quỳnh nói ngay: “Báo sáng nay có hai bài khiến mình quan tâm: một bài viết về giám đốc một công ty nước ngoài vừa sa thải một nhân viên vì đã lấy cắp một số tiền nhỏ của công ty. Vụ thứ hai là Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) bị thu hồi 11 căn biệt thự tại Đà Lạt”.
Chưa kịp hỏi lý do bà quan tâm, Quỳnh giải thích luôn: “Cái khổ của người lãnh đạo là nếu xử lý nhân viên thẳng tay quá, nhất là chỉ với một số tiền bị lấy đi quá nhỏ như công ty nọ, thì sẽ bị cho là cứng nhắc, hoặc không có tình người. Nhưng ở góc độ quản lý, nếu mình không nghiêm, cứ mỗi người làm thất thoát một chút thì con số thiệt hại sẽ là bao nhiêu?
Còn chuyện HAGL, nếu sự việc đúng như bài báo đã đăng thì phía sai là UBND tỉnh Lâm Đồng và điều làm mình quan tâm chính là nỗi khổ của người làm doanh nghiệp, nhất là khi môi trường pháp lý tại Việt Nam còn chưa nhất quán, rõ ràng”.
* Có lẽ chuyện HAGL làm bà liên tưởng đến “đoạn trường” Đông Dương đã trải qua khi dự án bãi đậu xe ngầm ở Công trường Lam Sơn bị ngưng?
– Dự án bãi đậu xe ngầm đã được chúng tôi theo đuổi từ năm 2004 và trải qua gần bốn năm làm thủ tục, xin cấp phép và mấy chục tỷ đồng để đầu tư cho dự án, nhưng năm 2008 đột nhiên nhận được quyết định không được triển khai do vướng Nhà hát Thành phố và tuyến metro số 1.
Rất may, tôi đã gặp được những vị lãnh đạo công tâm và sự vụ được giải quyết một cách thỏa đáng, công bằng. Hiện dự án cũng đã được UBND Thành phố cho phép triển khai tại khu vực sân khấu Trống Đồng. Mặc dù không thuận lợi bằng ở công trường Lam Sơn nhưng cách giải quyết của các vị lãnh đạo UBND Thành phố đã tạo cho tôi sự tin tưởng, thuyết phục tôi chấp nhận thiệt hại để tiếp tục thực hiện dự án.
Qua vụ việc của Đông Dương và hiện tại là câu chuyện của HAGL, tôi nghĩ nếu các vị lãnh đạo ở nhiều địa phương, các cấp có tinh thần cầu thị thì doanh nghiệp sẽ tin tưởng và yên tâm đầu tư, cống hiến hết mình cho đất nước.
* Kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị nâng hạ, chế tạo cầu trục và hệ thống nâng xe tự động xem ra hơi trái với ngành kinh tế mà bà đã học và cũng khó phù hợp với phụ nữ, vậy tại sao bà lại am hiểu ngành cơ khí này y như dân trong ngành vậy?
– Năm 23 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học tôi được vào làm việc ở một công ty của Nhật chuyên về cơ khí. Nhờ vậy tôi có thời gian tiếp cận nghề và học hỏi về chuyên môn.
Phải công nhận rằng thời gian làm việc ở công ty này tôi đã trưởng thành rất nhiều, không chỉ học được chuyên môn mà cả các kỹ năng và công việc khác, như: văn phòng, thư ký, ngoại ngữ, vi tính, giao tiếp…, được đi nước ngoài như Nhật, Campuchia và mở rộng quan hệ với nhiều đối tác.
Bốn năm làm việc, thấy chất xám mình bỏ ra chỉ để làm công thì phí quá, hơn nữa, nhận ra thị trường trong nước rất ít nơi cung cấp các thiết bị nâng hạ nên tôi thành lập Công ty TNHH TM -DV Bảo Quỳnh để kinh doanh mặt hàng này.
Khi thấy nhiều công ty Nhật sang Việt Nam tìm nhà sản xuất cầu trục nhưng không có, tôi thắc mắc: “Không biết công nghệ hiện đại đến cỡ nào mà Việt Nam không làm được?”. Qua tìm hiểu tôi biết ở các nước như Malaysia, Nhật, Hàn Quốc đều có nhà máy sản xuất và quyết định làm một chuyến khảo sát.
Thì ra, công nghệ và máy móc của họ cũng không có gì ghê gớm, thế là tôi bắt đầu tìm chuyên gia và tài liệu để học hỏi và nghiên cứu. Năm 1997, tôi xây dựng nhà máy chế tạo cầu trục và đổi tên Công ty thành Công ty TNHH Sản xuất cơ khí và cầu trục NMC.
* Bà cho mình là người cẩn trọng, luôn “dập tắt rủi ro” từ trong trứng nước, điều này liệu có mâu thuẫn khi chính bà lại là người luôn thích đi tiên phong làm những việc chưa ai làm, mà thường thì người đi tiên phong hay gặp rủi ro, thậm chí còn tự “chuốc họa” vào thân?
– Cẩn trọng không có nghĩa là không dám làm điều mới mẻ, không dám là người đi trước. Quan trọng là trước khi thực hiện một kế hoạch nào, tôi cũng phải xem xét thấu đáo cả mặt tốt lẫn mặt xấu của nó, giả thiết mọi tình huống có thể xảy ra.
Tôi rất thích cuốn sách Thiên nga đen của nhà triết học nổi tiếng Nassim Nicholas Taleb và coi đó như một cẩm nang “nhắc nhủ” mình trong cuộc sống và công việc. Trước nay, ai cũng nghĩ thiên nga màu trắng, cũng giống như khi nhìn vào một công việc mới, người ta chỉ thấy toàn thuận lợi, thành công mà ít đặt ra tình huống xấu, nên khi gặp bất trắc thường không biết cách xử lý.
Vì vậy, đứng trước một ý tưởng hoặc một dự án mới, tôi luôn đi tìm “Thiên nga đen” để tránh những rủi ro. Chẳng hạn, khi ký một hợp đồng, tôi thường cân nhắc rất kỹ các chi tiết, tình huống và soạn thảo điều khoản chặt chẽ để tránh những rủi ro không đáng có.
* Vậy khi thành lập nhà máy chế tạo cầu trục, bà đã lường trước “rủi ro” như thế nào, vì nhu cầu thiết bị này tại Việt Nam cho đến nay cũng không nhiều?
 
  Công tác và học tập tại nước ngoài
– Nhà máy của chúng tôi cho đến thời điểm này vẫn hoạt động tốt. Tuy nhiên, với công suất quá lớn và nhất là năm 2005, khi nhu cầu thị trường Nhật bị chựng lại, bí kíp “thiên nga đen” của tôi là phải chuyển ngay chiến lược kinh doanh sang thị trường trong nước, đồng thời triển khai dự án đầu tư hệ thống nâng (xếp) xe tự động.
Sở dĩ tôi nói triển khai ngay vì gần 15 năm trước ở Nhật, tôi đã tìm hiểu hệ thống này và đã lên kế hoạch thực hiện tại Việt Nam từ năm 2003. Thế nhưng, thời điểm đó dự án chưa khả thi vì đất còn rộng, dân mình vẫn có thói quen thích đậu xe ngoài đường.
Đến năm 2005, khi số lượng xe phát triển quá nhanh và dự kiến sẽ còn tăng nữa trong khi quỹ đất không “nở” ra thêm, tôi quyết định đầu tư vì chắc chắn bãi đậu xe sẽ thiếu trầm trọng ở khu vực trung tâm thành phố.
Khi lên kế hoạch cho dự án, tôi may mắn gặp được Chủ tịch Tập đoàn Đông Dương, ông rủ tôi cùng góp vốn vào Tập đoàn để kinh doanh bất động sản và thực hiện dự án bãi đậu xe ngầm.
Tôi thấy Đông Dương là một tập đoàn lớn, có uy tín và luôn có những ý tưởng mới cũng như áp dụng công nghệ mới trong xây dựng, chẳng hạn họ xây dựng công trình trên mặt biển giống như Dubai, phát triển dịch vụ dưới lòng đất như Nhật Bản.
Hơn nữa, Đông Dương lại là đối tác đối tác độc quyền của Tập đoàn Promgaz của Nga chuyên về công nghệ khí hóa than. Tất cả những lĩnh vực này tuy mới mẻ, nhưng tôi thấy phù hợp với tính cách của mình là thích đi tìm và khám phá cái mới, nên đồng ý hợp tác và giữ chức vụ Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương.
* Kinh doanh thì phải mạo hiểm, nhưng quá cẩn trọng như bà liệu có đánh mất nhiều cơ hội?
– Không ít bạn bè có dự án “ngon” rủ tôi cùng làm, nhưng tôi luôn thận trọng, lật ngược lật xuôi vấn đề trước khi quyết định nên họ bảo tôi nhát, “kinh doanh theo kiểu đàn bà”.
Thật ra, tôi cũng thích mạo hiểm và đã kinh doanh, đã thực hiện bất cứ dự án nào thì đều phải mạo hiểm, nhưng mạo hiểm cũng phải dựa trên sự cân nhắc, suy đoán kỹ lưỡng, phải tìm ra trước “mặt trái” của dự án để có cách giải quyết trước.
Đừng bao giờ nghĩ điều bất trắc sẽ không xảy ra hoặc ham lợi trước mắt, biết mạo hiểm mà vẫn làm. Nếu mạo hiểm chỉ ảnh hưởng đến một mình tôi thì không sao, còn đem hết vốn liếng, sự sinh tồn của hàng trăm nhân viên, khách hàng và doanh nghiệp của mình để mạo hiểm thì tôi phải cân nhắc.
Vấn đề theo tôi, không phải là dám mạo hiểm hay không, mà là có quyền làm hay không. Hơn nữa, nếu mạo hiểm để giàu thêm thì tôi không làm, vì đó không phải là mục tiêu kinh doanh của tôi. Tôi không muốn làm “người đàn bà tóc trắng” khi có sự cố xảy ra.
Cũng như tôi luôn tự hào vì chưa bao giờ phải ân hận về những gì mình đã làm, và chưa bao giờ phải thốt lên câu: “Giá như lúc trước mình đừng làm như thế”.
  Nguyễn Thị Bảo Quỳnh – Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất cơ khí và cầu trục NMC
Chủ Tịch Hội Đồng Thành Viên Công Ty TNHH Giải Pháp Thông Minh
LỮ Ý NHI thực hiện

Tags: , , , , , , , ,