Chính sách nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 10 – 2014
Từ ngày 11 – 20/10/2014, nhiều chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực, cụ thể như sau:
1. Quy định mới về thuế thu nhập cá nhân trong Khu kinh tế
Giảm 50% thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân ký hợp đồng với tổ chức tại Khu kinh tế và làm việc tại Khu xử lý chất thải đặt ngoài Khu kinh tế.
Cách xác định số thuế được giảm như sau:
– Đối với cá nhân cư trú, tính theo thu nhập chịu thuế tại khu kinh tế; nếu có thu nhập khác ngoài khu kinh tế thì tính theo tỷ lệ thu nhập tại khu kinh tế/tổng thu nhập.
– Đối với cá nhân không cư trú, xác định số thuế được giảm theo tổng thu nhập chịu thuế.
Nội dung này được đề cập tại Thông tư 128/2014/TT-BTC, có hiệu lực từ 20/10/2014.
2. Thay đổi toàn diện về đánh giá học sinh tiểu học
Ngày 15/10/2014, áp dụng quy định mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT, theo đó:
– Không dùng điểm số để đánh giá thường xuyên, bỏ xếp loại Giỏi – Khá – Trung bình, đánh giá về năng lực, phẩm chất thay cho đánh giá hạnh kiểm; việc đánh giá này dựa trên 2 mức Đạt hoặc Chưa đạt.
– Học sinh được lên lớp khi được xác nhận hoàn thành chương trình học, trường hợp không hoàn thành thì phải báo cáo để hiệu trưởng xét.
3. Hướng dẫn thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn cổ phần nhà nước
Từ ngày 20/10/2014, áp dụng quy định mới về cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại Thông tư 127/2014/TT-BTC, theo đó có những điểm mới sau:
– Bổ sung các loại tài sản mà doanh nghiệp phải phân loại, kiểm kê.
– Tại thời điểm xác định giá trị, doanh nghiệp không phải trích lập các tài khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tổn thất các khoản đầu tư tài chính,…; không phải trích trước chi phí sửa chữa tài sản cố định.
– Bổ sung hình thức lựa chọn tổ chức tư vấn định giá doanh nghiệp đối với gói thầu tư vấn không quá 500 triệu đồng.
– Bổ sung thêm hướng dẫn về khấu trừ giá trị lợi thế về vị trí địa lý đất thuê khi xác định giá trị doanh nghiệp.
Thông tư này có hiệu lực từ 20/10/2014, thay thế Thông tư 202/2011/TT-BTC.
4. Biểu mẫu khai trình sử dụng lao động
Từ ngày 20/10/2014, các doanh nghiệp sẽ thực hiện việc khai trình sử dụng lao động theo các biểu mẫu ban hành tại Thông tư 23/2014/TT-BLĐTBXH .
Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp phải khai trình sử dụng lao động khi bắt đầu hoạt động và khai trình theo định kỳ 6 tháng và hàng năm; việc khai trình này thực hiện theo biểu mẫu số 05 và 07.
Cũng theo quy định của thông tư này thì trong vòng 30 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động, doanh nghiệp sẽ phải lập sổ quản lý lao động, và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Doanh nghiệp có thể lập sổ giấy hoặc sổ điện tử nhưng phải đảm bảo có đủ các nội dung bắt buộc như: Họ tên, giới tính, năm sinh, quốc tịch, địa chỉ CMND của người lao động, trình độ chuyên môn kỹ thuật, trình độ kỹ năng nghề …
Thông tư này thay thế Thông tư 06/1998/TT-BLĐTBXH, Thông tư 29/1999/TTLT-BLĐTBXH-BQP và Thông tư 20/2003/TT-BLĐTBXH .
5. Quy định mới về hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng
Từ 15/10/2014, Thông tư 21/2014/TT-NHNN hướng dẫn về phạm vi hoạt động ngoại hối (HĐNH), điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận HĐNH của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chính thức có hiệu lực. Theo đó, có những điểm mới đáng chú ý sau:
– Cán bộ quản lý cấp Phòng trở lên và cán bộ nghiệp vụ phải có khả năng tiếng Anh đạt trình độ C hoặc tương đương trở lên.
– Ngoài HĐNH cơ bản thì tùy từng thời kỳ mà NHTM có thể được cho phép thực hiện các HĐNH khác nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định.
– Giấy xác nhận đủ điều kiện, Giấy xác nhận đăng ký hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối hiện đang áp dụng sẽ bị thay thế bởi Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc Quyết định sửa đổi bổ sung Giấy phép hoặc Văn bản chấp thuận HĐNH.
– Chậm nhất đến 15/10/2015, các TCTD phải thực hiện chuyển đổi giấy phép HĐNH. Quá thời hạn này, TCTD phải chấm dứt các HĐNH không thực hiện chuyển đổi hoặc không được chuyển đổi.
Thông tư này thay thế Thông tư 03/2008/TT-NHNN và Điều 3 Thông tư 25/2011/TT-NHNN .
6. Hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà tránh bão
Từ 15/10/2014, Quyết định 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 12 đến 16 triệu đồng/hộ; NH Chính sách xã hội thông qua ủy thác hoặc trực tiếp cho vay vốn xây nhà tối đa 15 triệu đồng/hộ, lãi suất 3%/năm trong thời gian tối đa 15 năm.
Các hộ gia đình phải đảm bảo có xây dựng/cải tạo nhà đúng tiêu chuẩn; được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, chỉ được chuyển nhượng sau khi trả hết nợ vay.
Việc lựa chọn hộ gia đình được hỗ trợ tiến hành thông qua bình xét và phê duyệt tại địa phương, và không áp dụng cho các người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg.