Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01/2019
1.Hàng hóa cứu trợ thiên tai sẽ được miễn thuế, lệ phí xuất, nhập khẩu
Ngày 29/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 160/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai. Cụ thể:
– Miễn thuế, lệ phí nhập khẩu, xuất khẩu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế tham gia hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại Việt Nam nhập khẩu, tái xuất khẩu phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa để phục vụ công tác cứu trợ khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai.
– Trường hợp lượng hàng hóa để lại Việt Nam được sử dụng vào mục đích khác phải chịu thuế theo quy định của pháp luật Việt Nam;
– Đối với người được phép đến Việt Nam hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai: Được làm thủ tục nhập cảnh, xuất cảnh ưu tiên tại các cửa khẩu; trường hợp ứng phó khẩn cấp, nếu chưa có thị thực thì được cấp thị thực tại cửa khẩu.
– Đối với phương tiện, trang thiết bị, hàng hóa được phép nhập khẩu, tái xuất sau khi hoàn thành hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ, hỗ trợ thiên tai thì được ưu tiên làm thủ tục thông quan tại các cửa khẩu.
– Người được phép đến Việt Nam hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai sẽ được hướng dẫn nơi ở, làm việc và thủ tục tạm trú phù hợp với điều kiện cụ thể; cơ quan, địa phương tiếp nhận hỗ trợ có trách nhiệm hướng dẫn thủ tục đăng ký tạm trú, nơi ở và làm việc cho các cá nhân, tổ chức đến Việt nam hoạt động ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
2. Doanh nghiệp phải công khai việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Ngày 07/11/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 149/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết khoản 3 Điều 63 của Bộ luật lao động về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc. Theo đó, Nghị định này quy định nguyên tắc, nội dung, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (người sử dụng lao động).
Nội dung người sử dụng lao động phải công khai gồm: Tình hình thực hiện nhiệm vụ, sản xuất, kinh doanh; nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của doanh nghiệp liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành, thỏa ước lao động tập thể khác mà doanh nghiệp tham gia; nghị quyết Hội nghị người lao động; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp (nếu có); việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; tình hình thực hiện thi đua, khen thưởng, kỷ luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sử dụng dưới 10 người lao động được miễn tổ chức hội nghị người lao động và ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc bằng văn bản, người lao động được tham gia đóng góp ý kiến về: Xây dựng, sửa đổi, bổ sung thang lương, bảng lương, định mức lao động; Được đề xuất, thực hiện giải pháp tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
3. Doanh nghiệp phải tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động
Theo Thông tư số 17/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu doanh nghiệp phải tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động ít nhất 01 lần trong năm, với các nội dung như: Việc tuyển dụng lao động; việc trả lương; việc tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu doanh nghiệp không tự kiểm tra thì đây là cơ sở để cơ quan thanh tra Nhà nước về lao động tiến hành thanh tra đột xuất hoặc đưa vào kế hoạch thanh tra năm sau.
Đồng thời, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân không chấp hành việc tự kiểm tra thì đây cũng là tình tiết tăng nặng để quyết định mức xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người sử dụng lao động phối hợp với đại diện tập thể lao động tại cơ sở thực hiện báo cáo kết quả tự kiểm tra trực tuyến khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan Thanh tra nhà nước về lao động.
4. Tăng lương tối thiểu vùng mới từ ngày 1/1/2019
Ngày 16/11/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng mới cho người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, cụ thể:
Vùng I: 4.180.000 đồng/tháng;
Vùng II: 3.710.000 đồng/tháng;
Vùng III: 3.250.000 đồng/tháng;
Vùng IV: 2.920.000 đồng/tháng.
Mức lương tối thiểu vùng được áp dụng theo nguyên tắc như sau:
– Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
– Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.
– Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
– Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.
Nguồn: https://dangkykinhdoanh.gov.vn
Tags: Kinh doanh, tiết kiệm chi phí